Ukraina đang là mặt trận nóng để Nga và Mỹ phô trương thanh thế. Đàm phán giữa hai ngoại trưởng, Blinken và Lavrov, tại Genève, Thụy Sĩ là « cơ hội cuối cùng » để xua tan viễn cảnh chiến tranh Ukraina hay vẫn là một cuộc đối thoại giữa « hai người điếc » phơi bày thêm rạn nứt trong khối Tây phương ? Washington và các đồng minh Tây Âu không cùng chung nhịp chèo trước những đe dọa của Matxcơva.
Vài giờ trước khi mở ra cuộc họp Nga- Mỹ tại Genève hôm 21/01/2022 để tháo gỡ bế tắc trên hồ sơ Ukraina, Kremin tỏ ra « cứng rắn hơn bao giờ hết » qua thông báo huy động tàu chiến và cả chục ngàn quân tham gia các cuộc tập trận trên biển từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, tập trận chung với Belarus, sát cạn với Ba Lan, một nước thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và Liên Hiệp Châu Âu. Matxcơva dứt khoát từ chối « hạ nhiệt tình hình » nếu không được NATO bảo đảm không kết nạp thêm các thành viên mới để hiện diện ngay sát cạnh biên giới của nước Nga.
Đối lại, phía Mỹ tăng viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev, liên tục báo động về nguy cơ « chiến tranh cận kề », về khả năng Nga xâm chiếm Ukraina. Về mặt ngoại giao, sau lãnh đạo tình báo CIA đến lượt ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vận động các đồng minh châu Âu « một lòng đoàn kết » trừng phạt nước Nga nếu Matxcơva can thiệp quân sự chiếm đóng Ukraina.
Trong hoàn cảnh đôi bên cùng « đằng đằng sát khí như vậy », liệu có hy vọng tránh được một cuộc xung đột hay không ? Theo giới quan sát câu trả lời là có.
Dmitry Sablin, phó chủ tịch ủy ban Quân vụ tại Hạ Viện Nga hôm 20/01/2022 biết chắc Mỹ « không sẵn sàng » dùng tới lá bài quân sự và ý thức được điều này Kremlin muốn khai thác « nhược điểm đó » của Mỹ đề mặc cả, đổi lấy an ninh cho nước Nga. Matxcơva biết rõ, là vừa thoát khỏi cuộc chiến trong 20 năm tại Afghanistan Washington không hề có ý định lại can thiệp quân sự trên một mặt trận khác. Điều này đã ít nhiều được chứng minh qua tuyên bố « hớ hênh » của chính tổng thống Joe Biden. Chủ nhân Nhà Trắng đã lỡ lời để ngỏ khả năng rằng nếu như Nga có lai vãng sang Ukraina một cách giới hạn thì cũng không nghiêm trọng lắm !
Đương nhiên Washington lập tức đính chính lại ngay sau tuyên bố này, nhưng đã quá trễ. Đó chỉ là một dấu hiệu mới cho thấy Mỹ không còn nhiệt tình bảo vệ Ukraina đồng thời những rạn nứt quá rõ rệt trong hàng ngũ phương Tây trước mối đe dọa xuất phát từ Matxcơva đối với an ninh châu Âu.
Ngành ngoại giao Hoa Kỳ từ nhiều tuần lễ qua liên tục vận động châu Âu « trừng phạt đích đáng » nước Nga nếu Matxcơva xâm chiếm Ukraina. Tại Berlin hôm qua 20/01/2021 ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp các đồng nhiệm Anh, Đức và Pháp, nhưng kết quả có lẽ không được như Washington mong đợi. Hiện tại Luân Đôn qua lời ngoại trưởng Liz Truss cảnh cáo Nga « tránh sa lầy » tại Ukraina trong trường hợp dùng vũ lực uy hiếp Kiev. Chính phủ Đức im lặng khá lâu về khả năng dùng lá bài năng lượng - đình chỉ hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2- trong trường hợp xung đột vũ trang. Sự im lặng đó khiến Hoa Kỳ rất bực mình, nhưng cũng phải hiểu là tân chính quyền của thủ tướng Olaf Scholz trong thế lưỡng nan, bởi nước Đức lệ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga.
Với Pháp, Hoa Kỳ thất vọng không kém : trong diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu đánh dấu thời hạn 6 tháng Paris giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách « một khối Liên Âu tự chủ về an ninh », kiến tạo một « mô hình mới về an ninh » cho châu lục này. Đó là một tín hiệu mạnh Paris gửi đến toàn khối NATO mà thành viên quan trọng nhất là Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp Berlin giữa bộ trưởng 4 nước, Anh, Pháp, Đức và Mỹ, đáp lời đồng nhiệm Hoa Kỳ kêu gọi đoàn kết trước nguy cơ Nga xâm chiếm Ukraina đe dọa an ninh châu Âu, ngoại trưởng Pháp, Jean Yves Le Drian lửng lơ tuyên bố : nếu phải trừng phạt Nga, những hậu quả sẽ vô cùng tai hại, nhưng « chuyện đó chúng ta sẽ thảo luận sau (…) trước mắt tôi hoàn toàn đồng ý với Antony Blinken là không thể quyết định về tương lai của châu Âu, về an ninh của châu Âu mà không có tiếng nói của châu Âu. Chúng ta cần nhắc lại và cần thực hiện điều đó ».
Đăng ngày: 21/01/2022
Cuộc họp đầu tiên qua hình thức trực tuyến giữa thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden diễn ra ngày 21/01/2022. Bắc Triều Tiên và Trung Quốc là hai chủ đề chính được đề cập tại thượng đỉnh.
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ, Nhật diễn ra chỉ một ngày sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đề ra mục tiêu « tăng cường ngay » khả năng quân sự để chống lại « những hành vi thù nghịch » của Mỹ. Bình Nhưỡng tuyên bố có thể nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc cũng khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản quan ngại, đặc biệt là việc Bắc Kinh liên tục gia tăng sức ép nhắm vào Đài Loan, mà Trung Quốc coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời và dọa dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Theo Reuters, tuần này thủ tướng Nhật cho biết Tokyo « sẽ tăng cường phòng thủ các đảo gần Đài Loan », tiếp theo lời hứa vào tháng 10, sẽ sửa đổi chiến lược an ninh để xem xét « tất cả các lựa chọn ».
Ngoài vấn đề Đài Loan, chính quyền Tokyo còn lo ngại về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh không ngừng tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực này, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật kiểm soát, nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Việc Nga triển khai quân đội gần biên giới Ukraina, tình hình chống dịch Covid-19, các vấn đề an ninh và kinh tế, an ninh mạng cũng được lãnh đạo hai nước đề cập. Trước cuộc họp thượng đỉnh này, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jake Sullivan và đồng nhiệm Nhật Bản Takeo Akiba đã trao đổi trực tuyến hôm 20/01 về cách tiếp cận của mỗi bên về Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và các vấn đề kinh tế ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cũng trong ngày 20/01, Tokyo và Washington ra thông cáo chung về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP). Theo NHK, hai bên công nhận Hiệp ước TNP là cần thiết để đi đến việc loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Phía Nhật Bản hoan nghênh tuyên bố ngày 03/01 của 5 cường quốc nguyên tử, theo đó « không có ai thắng trong chiến tranh hạt nhân » và khẳng định quyết tâm « ngăn ngừa việc theo đuổi phổ biến » loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Đăng ngày: 21/01/2022
Hoa Kỳ và bảy thành viên khác của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UNSC) hôm qua 20/01/2022 đã kêu gọi tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Trung Quốc chặn đề xuất của Mỹ về việc áp đặt các trừng phạt bổ sung của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đã thực hiện ít nhất 4 vụ phóng tên lửa từ đầu năm nay.
"Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thực hiện các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, những nghị quyết mà Hội Đồng đã nhất trí thông qua, và kêu gọi CHDCND Triều Tiên từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và dỡ bỏ tên lửa đạn đạo một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược được", tuyên bố chung do Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield công bố, thay mặt cho những đồng nhiệm từ Albani, Brazil, Anh, Pháp, Ai-Len, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
“Điều quan trọng là các quốc gia thành viên phải thực hiện các bước cần thiết để thực hiện các biện pháp trừng phạt trong phạm vi thẩm quyền của họ, nếu không, họ có nguy cơ để cho chế độ Kim Jong Un tự do hành động, thúc đẩy chương trình vũ khí của mình”, tuyên bố cho biết thêm.
Cũng trong hôm qua theo Yonhap, chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh rằng đối thoại và ngoại giao là chìa khóa duy nhất để xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết “đang theo dõi chặt chẽ về những chuyển biến mới nhất ở miền Bắc" và “sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống bằng cách phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác để duy trì tình hình ổn định trên bán đảo Triều Tiên."
Hàn Quốc đã có phản ứng như trên sau khi Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên họp ngày 19/01. Theo cơ quan thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên (KCNA), cuộc họp quyết định xem xét phục hồi "mọi hoạt động tạm thời đình chỉ", hàm ý các hoạt động thử nguyên tử và phóng tên lửa đạn đạo tầm xa, để chuẩn bị cho một "cuộc đối đầu lâu dài" với Hoa Kỳ.
Đăng ngày: 21/01/2022
Anh Quốc đã cảnh báo tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng các đồng minh phương Tây sẽ cùng nhau sát cánh đấu tranh chống lại các chế độ độc tài mà Luân Đôn Anh tố cáo là được khuyến khích dung túng nhiều hơn bất kỳ lúc nào kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu tại Úc, hôm nay, 21/01/2022, ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết Luân Đôn và các đồng minh trong "thế giới tự do" phải cùng nhau ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu, củng cố các quan hệ với các nền dân chủ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và "đối mặt với những kẻ xâm lược toàn cầu".
Theo Reuters, bà Truss và bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, đã gặp những đồng nhiệm Úc tại Sydney trong cuộc Tham vấn thường niên giữa Úc và Vương quốc Anh (AUKMIN). Hai bên bàn về thỏa thuận Úc mua tàu ngầm hạt nhân và việc 2 nước này bị Trung Quốc, Nga và Iran tấn công mạng.
Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Peter Dutton, cho biết không có kế hoạch thành lập căn cứ quân sự của Anh tại Úc. Tuy nhiên, hai nước đã ký các thỏa thuận tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực như một biện pháp chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước việc Nga điều quân ồ ạt ở biên giới chung với Ukraina và tái khẳng định "sự ủng hộ tuyệt đối” của hai nước đối đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina".
Bà nói thêm rằng "cuộc xâm lược sẽ chỉ dẫn đến một vũng lầy khủng khiếp và thiệt hại về nhân mạng, như chúng ta đã biết từ cuộc chiến tranh Liên Xô-Afghanistan năm 1979-1989 và xung đột ở Chechnya."
Đăng ngày: 20/01/2022
Ít ngày trước Thế Vận Hội Mùa đông tại Trung Quốc, Quốc Hội Pháp hôm nay, 20/01/2022, đã thông qua một nghị quyết lên án chính quyền Bắc Kinh phạm « tội ác chống nhân loại » đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
QUẢNG CÁONghị quyết cho biết Quốc Hội Pháp « chính thức công nhận các bạo lực do chính quyền nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tiến hành chống lại người Duy Ngô Nhĩ, là các tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng ». Quốc Hội kêu gọi chính phủ Pháp cũng có quyết định tương tự, và có « các biện pháp cần thiết cùng với cộng đồng quốc tế và trong chính sách đối ngoại của nước Pháp đối với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa » để chấm dứt tình trạng này. Nghị quyết, do đảng Xã Hội đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của đảng cầm quyền LREM (Nước Cộng Hòa Tiến Bước), được thông qua với 169 phiếu thuận, một phiếu chống và 5 vắng mặt.
Nhân danh chính phủ, bộ trưởng phụ trách Ngoại Thương, ông Franck Riester, bảo đảm là cảnh ngộ của người Duy Ngô Nhĩ đã được nêu lên « trong các trao đổi cấp cao nhất » với phía Trung Quốc, và nhắc lại rằng tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ cũng đã được tổng thống Macron nêu lên hôm qua trong bài diễn văn tại Nghị Viện Châu Âu.
Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cáo buộc chính quyền Trung Quốc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại Tân Cương. Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ khi khẳng định các địa điểm giam giữ bị cáo buộc chỉ là các trung tâm đào tạo nghề.
P/v theo Rfi
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Truy??n ng??n c??a ???? Ho??ng H??n th??ng n??y, m??a nh??ng...